Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Huỳnh Văn Vũ trên chiếc xe máy đang dong ruỗi trên đường với chiếc cặp to đùng lủng lẳng bên hông xe. Sau cặp kính cận, đôi mắt lúc nào cũng đăm chiêu như kẻ đang luôn theo đuổi, tìm kiếm. Nên tôi chào hiếm khi Vũ thấy. Đã đôi lúc gọi Vũ cà phê để chuyện phiếm về cái thời mòn đũng quần trên băng ghế Trường Nguyễn Huệ. Vẫn thường nhận câu trả lời quen thuộc “Dạo này mình bận quá! Thông cảm hẹn lúc khác nhé!”. Giọng điệu lúc nào cũng nhã nhặn, cũng đĩnh đạc đến phát chán. Những lúc ấy, tôi thường nghĩ chắc hắn đang chuẩn bị nội dung cho một hội thảo, hoặc chí ít cũng đang tìm kiếm thông tin cho một đề tài khoa học nào đấy. Con người của bận rộn!
KS Huỳnh Văn Vũ (Người đứng) trình bày Bài giảng Kỹ thuật Nuôi tôm bền vững – P. Phú Đông, TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV
hời Trung học. Chung lớp. Hắn là Thư ký lớp. Học rất giỏi, luôn nhã nhặn với mọi người nên được thầy cô tin tưởng và anh em “ghen tỵ”. Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu nổi là hắn có được phép bùa gì mà hắn vẫn cứ đi chơi, vẫn cứ tụ nhóm nghịch ngợm cùng chúng tôi, nhưng học thì vẫn cứ dzách lầu. Con người thì giỏi có khung, tài có vùng từ trong não. Còn hắn thì ngoại lệ. Giỏi cả các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh lẫn các môn xã hội văn, địa, sử, công dân, sinh ngữ. Chắc rằng nhờ cái nền tảng kiến thức căn bản đó mà hắn đã vượt qua bao khó khăn để lọt vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Rồi sau tốt nghiệp, đã có tên trong danh sách mà nhiều người thầm mơ: Cán bộ giảng dạy của Trường. Thời ấy là một điều hiếm. Vì nhiều lẽ và rồi thần ý chí đã mạnh mẽ khơi dậy những nơ ron sáng tạo để hắn dấn thân vào hành trình trí tuệ mà hắn luôn khao khát.
Tôi có hơi dài dòng văn tự nhưng mong bạn đọc thông cảm. Vì dù sao khen một người bạn đáng khen cũng là điều tốt, nhất là trong cái thế giới còn lẫn khuất nhiều sự tỵ hiềm này.
Mới đây, gặp lại Vũ trong Hội nghị điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ tỉnh Phú Yên lần thứ IV. Mới biết hắn cũng có tên trong danh sách 38 người được LĐLĐ Tỉnh khen thưởng. Mặc dù không được Ban Tổ chức Hội nghị chọn để trình bày tham luận tại Hội nghị nhưng qua Bảng Tổng hợp Thành tích chung, hắn cũng chẳng thua chị kém em về cái khoản sáng kiến, đề tài. Có những đề tài mọc lên từ xa lắc như Dự án “Đầu tư phát triển nuôi tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch” từ năm 1992, 1993. Dự án này đã thay đỗi tập quán làm ruộng, đốt than để hình thành một nghề hết sức mới mẻ mà hiệu quả, đó là nghề nuôi tôm. Một nghề đã làm thay đỗi số phận của không biết bao nhiêu gia đình. Rồi sáng kiến “Giải pháp phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ” năm 2008 – 2009, giúp người dân phòng trừ dịch bệnh trên con tôm. Đến 2010 – 2011 ra đời sáng kiến “E.M Trùn – Giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững”. Giải pháp này đã được nhận Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 2014 với phát kiến “Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc” được VTV quay phim phát sóng nhân rộng mô hình. Người ta nói “Muốn giàu thì tôm với gỗ, muốn khổ thì gỗ với tôm, muốn đi lom khom thì tôm với gỗ”, Vũ vẫn chung thủy với con tôm. Vẫn tiếp tục đi cùng nông dân, giúp nông dân tìm cách làm giàu từ con tôm.
Niềm vui ngày thu hoạch. Ảnh: CTV
Những sáng kiến của hắn dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay chưa quan trọng thì tôi không đủ trình độ để đánh giá. Tôi chỉ nghĩ rằng những sáng kiến của hắn thật sự giúp ích cho đời là đáng quý rồi. Đất nước này cần lắm những con người như vậy. Tôi luôn mong hắn tiếp tục với những sáng kiến tầm tầm. Để hắn còn ở Tuy Hòa, thỉnh thoảng anh em còn gặp, còn cà phê, còn lai rai để nghe Vũ đắm say trong những khúc tình ca Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương …, dù chất giọng không lụa là, nhưng đầy xao động và trắc ẩn chứ lỡ hắn có nhiều đề tài to quá, người ta điều hắn về Cục, Vụ, Viện nào đó, thì chắc đến khi về với đất, cũng không còn gặp nhau. Phải không Vũ ?
Nguyễn Lạc Đạo
Nguồn: Tạp chí Công đoàn Phú Yên – Quý II – 2015.