Phú Yên có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để đầu tư phát triển nuôi trồng các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, tôm sú, tôm chân trắng… Trong những năm qua, từ hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại cho thấy, việc mở rộng hoạt động khuyến nông, đầu tư phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản là một trong các giải pháp tốt nhất để phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm nước lợ phát triển không ổn định, có rất nhiều hộ nuôi tôm phát triển tốt (lãi trung bình 600 – 700 triệu đồng/ha/vụ) nhưng cũng có rất nhiều hộ thua lỗ, do môi trường xuống cấp, ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên các vùng nuôi, đối tượng nuôi, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch khuyến nông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và dịch bệnh ở vùng nuôi, từng bước phát triển ổn định nghề nuôi tôm, từ năm 2008 cho đến nay, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ thuộc Trạm Tư vấn Dịch vụ Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Phú Yên) đã nghiên cứu và thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến đạt hiệu quả cao, bền vững, tiêu biểu như:
– Năm 2008 – 2009, thực hiện sáng kiến “Giải pháp phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ” với nội dung chính: Gây màu nước, ổn định tảo bằng phân trùn, cho tôm ăn “thức ăn + dịch trùn” nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng: Đạm, acid amin, các vi khuẩn có lợi, vitamin, các nguyên tố vi lượng Zn, Selenium…, tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi. Sáng kiến được áp dụng vào thực tế sản xuất thông qua các mô hình tại các vùng nuôi như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa đạt hiệu quả cao, ổn định, lãi 259,75 triệu đồng/6 hộ/vụ, người dân rất phấn khởi trước kết quả đạt được. Sáng kiến được tặng thưởng giải III Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ III (2008 – 2009).
– Năm 2009 – 2010, để ngăn chặn tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp, ô nhiễm, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ tiếp tục thực hiện sáng kiến “E.M Trùn – Giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững”, áp dụng vào thực tế sản xuất thông qua các mô hình: Nuôi tôm hùm tại Vũng Rô, nuôi tôm chân trắng ở các vùng nuôi huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa đạt hiệu quả cao, bền vững. Nuôi tôm chân trắng lãi 244 triệu đồng/3 hộ/vụ; Tôm hùm lãi 500 triệu đồng/1 hộ/vụ. Sáng kiến này đã giúp người dân mở rộng, thực hiện có hiệu quả trên các đối tượng nuôi nước mặn (tôm hùm); nước lợ (tôm sú, tôm chân trắng) và đạt giải III Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ IV (2010 – 2011). Ông Vũ vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo.
– Năm 2012, để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ còn thực hiện sáng kiến “Nuôi tôm nước lợ kết hợp cá rô phi (luân canh, xen canh)” áp dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao, ổn định. Sáng kiến thực hiện thông qua mô hình tại hộ Nguyễn Hải – Phường Phú Đông TP Tuy Hòa trong 2 năm: Vụ II năm 2012 nuôi cá rô phi lãi 60 triệu đồng/ha/vụ + cải tạo, làm sạch môi trường ao nuôi, vụ I năm 2013 nuôi tôm chân trắng: Môi trường trong sạch, tôm khỏe mạnh, phát triển tốt, lãi 600 triệu đồng/ha/vụ. Vượt qua dịch bệnh, người dân rất phấn khởi trước kết quả đạt được. Với kết quả trên, sáng kiến này, ông Huỳnh Văn Vũ đã đạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ V (2012 – 2013).
– Năm 2014: Do môi trường ngày càng xuống cấp, ý thức quản lý cộng đồng vùng nuôi của một số bà con còn thấp, dịch bệnh vẫn còn xảy ra, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu thực hiện công nghệ mới, giải pháp “Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc” áp dụng tại các mô hình nuôi tôm: Hộ Lê Thanh Hải (huyện Đông Hòa), Trần Văn Sinh (TP Tuy Hòa), Huỳnh Xuân Sỹ (huyện Tuy An), với hiệu quả lãi 1.491.000.000 đồng/3 hộ/vụ. Sáng kiến đạt giải III Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VI (2014 – 2015), ông Huỳnh Văn Vũ vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo.
Hộ Lê Thanh Hải (huyện Đông Hòa) thu hoạch tôm nuôi
– Năm 2016, khi người dân đã thực hiện thành công công nghệ Semi Biofloc, đã quen dần với các yêu cầu rất khác của công nghệ mới “công nghệ Biofloc” so với công nghệ cũ “công nghệ truyền thống”, ông Huỳnh Văn Vũ còn tập trung thực hiện sáng kiến “Ứng dụng E.M Trùn vào nuôi tôm theo công nghệ Biofloc thay thế công nghệ nuôi truyền thống”, áp dụng tại các mô hình nuôi tôm: Hộ Phan Văn Đoàn, người dân ở Phường 6 TP Tuy Hòa nuôi tôm tại xã Xuân Cảnh thị xã Sông Cầu, Nguyễn Văn An xã Xuân Cảnh thị xã Sông Cầu, hiệu quả lãi 1.350.000.000 đồng/2 hộ/vụ. Giải pháp được Sở Nông nghiệp & PTNT Phú Yên công nhận sáng kiến năm 2016, vinh dự đạt giải II Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VII (2016 – 2017).
Trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VII (2016 – 2017)
Trong những năm tới, thiết nghĩ Sở Nông nghiệp & PTNT Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Phú Yên, Hội Nghề Cá Phú Yên cần mở các lớp tập huấn nhiều hơn, đào tạo, xây dựng nhiều hơn các mô hình, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người dân nâng cao trình độ kỹ thuật, hỗ trợ vốn, đầu tư, hướng dẫn, giúp họ thực hiện các giải pháp thực hiện, sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước hiện có để tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống là một trong các giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản. Vốn đầu tư cho hoạt động này sẽ được thu hồi trực tiếp từ lợi nhuận tăng thêm của quá trình sản xuất do áp dụng kỹ thuật mới, gián tiếp từ lợi ích của sự phát triển các ngành kinh tế khác do phát triển nuôi trồng thủy sản mang lại (sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế biến xuất khẩu thủy sản, dịch vụ, du lịch…).
Th.S Huỳnh Thanh Nhã
VP UBND tỉnh Phú Yên
(Nguồn Tạp chí Thông tin Khoa học công nghệ – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn)