Người Kỹ sư nặng lòng với bà con nuôi tôm ở Phú Yên

Cái nắng chói chang của vùng đất Nam Trung bộ không ngăn được bước chân của người kỹ sư nhiệt thành đến với bà con nuôi tôm ở Phú Yên. Anh, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, vừa đưa chúng tôi đi khảo sát vùng nuôi tôm lớn ở thị xã Sông Cầu, vừa sôi nổi chia sẻ về các giải pháp nuôi tôm theo công nghệ mới, thân thiện với môi trường.

Trăn trở với nghề nuôi tôm

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven biển Phú Yên, từng là giảng viên Đại học Thủy sản Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, là một người đam mê nghiên cứu khoa học. Là Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Tư vấn Dịch vụ Khuyến nông tỉnh Phú Yên (đơn vị trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên), anh luôn trăn trở với nghề nuôi tôm, làm thế nào để giúp người dân khắc phục khó khăn, phát triển và ổn định sản xuất. Năm 1992, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ thực hiện Dự án Đầu tư nuôi tôm xuất khẩu vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) với vốn đầu tư 350 triệu đồng. Dự án với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật đã tạo nên nghề mới cho người dân – nghề nuôi tôm, đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nghề nghiệp cũ ở vùng đất ngập mặn. Mùa vụ nuôi tôm thành công, giúp người dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, sau đó, người dân nuôi tôm ồ ạt, tự phát, không theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, dẫn đến môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, ô nhiễm, dịch bệnh, thua lỗ kéo dài, người dân mất phương hướng sản xuất.

Thực tế qua nhiều năm nghiên cứu, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ nhận thấy không nên nuôi tôm theo hướng nghiên cứu, xử lý một loại bệnh cụ thể mà nên đi theo hướng làm sạch môi trường để phát triển bền vững. Trước kia, người dân Phú Yên nuôi tôm theo công nghệ truyền thống, làm sạch môi trường bằng vi tảo, nhưng tảo không thể xử lý hết khí độc NH3 thải ra trong quá trình nuôi, đồng thời tồn lưu theo thời gian, làm môi trường ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh. Nhận thấy chỉ có cụm sinh học Biofloc mới có thể xử lý hết NH3, nhưng không thể hướng dẫn người dân thay đổi đột ngột từ nuôi tôm theo công nghệ truyền thống (làm sạch môi trường bằng vi tảo) sang nuôi tôm theo công nghệ mới Biofloc (làm sạch môi trường bằng cụm sinh học Biofloc), kỹ sư Huỳnh Văn Vũ thực hiện giải pháp “Nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc (công nghệ làm sạch môi trường bằng vi tảo và cụm sinh học Biofloc). Khi người dân quen dần, năm 2016, anh bắt đầu thực hiện theo công nghệ mới – “Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc thay thế công nghệ nuôi truyền thống”. Quy trình như vậy đem lại hiệu quả bền vững cho nghề nuôi tôm ở Phú Yên.

Hiệu quả từ công nghệ mới

Theo kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, công nghệ Biofloc là một trong những công nghệ tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để phát triển nuôi tôm bền vững và là kết quả của cả một quá trình, từ nuôi tôm theo công nghệ truyền thống (làm sạch môi trường bằng vi tảo) đến nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc (làm sạch môi trường bằng vi tảo và cụm sinh học Biofloc) và đến nuôi tôm theo công nghệ Biofloc thay thế công nghệ nuôi truyền thống.

Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc thay thế công nghệ nuôi truyền thống được thực hiện theo 3 bước là gây cụm sinh học Biofloc (bón E.M Trùn vào ao nuôi); kích thích Biofloc phát triển (cho tôm ăn thức ăn và E.M Trùn); duy trì Biofloc phát triển. Quy trình nuôi tôm sinh học này kết hợp thức ăn có trộn với hỗn hợp E.M Trùn (chế phẩm từ trùn Quế). E.M Trùn tan trong  nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn dị dưỡng phát triển, chuyển hóa ammonium trong ao nuôi thành sinh khối vi khuẩn. Các vi khuẩn này kết dính lại với nhau hình thành các cụm Biofloc trôi nổi trong nước vừa làm thức ăn cho tôm vừa làm sạch môi trường, kìm hãm, ngăn chặn sự xâm nhập  của các vi khuẩn gây bệnh tôm, giúp tôm khỏe mạnh, ăn nhanh hết thức ăn, chóng lớn. Biofloc xử lý được khí độc NH3 thải ra trong quá trình nuôi (công nghệ truyền thống không xử lý được), làm sạch được môi trường, hạn chế các nguy cơ nhiễm bệnh của con tôm.

Trong 2 năm qua, nhiều hộ dân ở Phú Yên đã áp dụng công nghệ trên và thu

được kết quả khả quan. Tiêu biểu là ông Phan Văn Đoàn, người dân phường 6, thành phố Tuy Hòa, nuôi tôm ở xã Xuân Cảnh thị xã Sông Cầu với 2 ao nuôi, diện tích 5.800 m2. Sau 3,5 tháng nuôi, ông Đoàn thu được 10 tấn, cỡ tôm 60 con/kg, giá bán140.000 đồng/kg, doanh thu là 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ông Đoàn lãi 550 triệu đồng; hoặc hộ ông Nguyễn Văn An ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, với 2 ao nuôi, diện tích 0,35 ha, lượng giống thả 1.220.000 con giống tôm Chân trắng, sau gần 3 tháng nuôi thu hoạch 16,5 tấn, cỡ tôm bình quân 71,5 con/kg, doanh thu đạt gần 1,9 tỷ đồng, trừ chi phí ông An lãi 800 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn An phấn khởi cho biết:

“Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, trên bề mặt ao là lớp Biofloc ổn định, bên dưới là nước ao nuôi trong sạch, đáy ao nuôi sạch bưng, tôm khỏe mạnh, ăn nhanh hết thức ăn, chóng lớn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp (lượng thức ăn sử dụng ít so với sản lượng thu hoạch), hạn chế lượng đạm trong thức ăn, tôm không hấp thu hết, thải ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường. Khi thu hoạch xong, ao không có mùi hôi thối như trước đây”.

Nói về những mong muốn trong tương lai của mình, anh Vũ chia sẻ: “Nếu quy trình nuôi tôm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, con tôm không hấp thụ hết lượng đạm trong thức ăn thì môi trường ngày càng ô nhiễm, hoặc nếu bà con sử dụng quá nhiều hóa chất, kháng sinh để xử lý bệnh tôm sẽ gây ra hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc, nghề nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bà con nên áp dụng công nghệ Biofloc để vừa phát triển nuôi tôm vừa làm sạch môi trường toàn vùng nuôi, các chất bẩn, khí độc, mầm bệnh sẽ được ngăn chặn; đồng thời nên chọn giống sạch, tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, thực hiện tốt quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung. Chỉ cần người nuôi tôm đồng lòng, các cấp chính quyền làm tốt quy chế quản lý vùng nuôi tập trung thì các giải pháp nuôi tôm theo công nghệ mới, thân thiện với môi trường sẽ được thực hiện thành công”.

Niềm vui ngày thu hoạch

Với những đóng góp của mình, anh được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Phú Yên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bằng Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng và đoạt giải cao ở tất cả các kỳ Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật của tỉnh Phú Yên từ năm 2008 đến nay ■

NGỌC HẢI

(theo Chuyên đề Dân tộc và miền núi của Tạp chí Cộng sản số 6/71 (5-4-2017) 
và Tạp chí Trí thức Phú Yên số 54 tháng 6/2017)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *