Kỹ sư đam mê nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường

Đến Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Phú Yên, tìm gặp Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, mọi người đều nói “Vũ đam mê nghiên cứu” phải không? Anh chính là kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, sinh năm 1957, hiện là Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TP Tuy Hòa.

KS. Huỳnh Văn Vũ hướng dẫn công nghệ nuôi tôm cho hộ gia đình

Là Kỹ sư Thủy sản, anh hiểu rất rõ đặc điểm tự nhiên Phú Yên là tỉnh sản xuất nông nghiệp, nguồn nước trong sạch, nhiều sông suối, thủy triều theo chế độ nhật triều không đều. Các vùng cửa sông, đầm, vịnh là nơi gặp gỡ, giao thoa giữa các dòng nước ngọt do sông suối đổ ra mang theo nguồn dinh dưỡng từ đất liền và nước mặn do dòng triều đưa vào mang theo các nguồn dinh dưỡng từ biển khơi tạo nên vùng nước lợ trong sạch, giàu dinh dưỡng rất phù hợp để đầu tư nuôi tôm xuất khẩu.

Tuy nhiên, nuôi trồng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường mới là mục tiêu mà KS Huỳnh Văn Vũ hằng theo đuổi. Với anh, nghiên cứu khoa học phải mang tính phát hiện, tính mới, tính sáng tạo và mục tiêu của nghiên cứu khoa học là phục vụ cho cuộc sống, phải được ứng dụng vào thực tiễn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, ít nhất là cho người dân nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Năm 1992, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ đã thực hiện dự án “Đầu tư phát triển nuôi tôm xuất khẩu vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa)” nhằm ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, làm nên mùa vụ thành công, giúp người nuôi tôm cải thiện thu nhập.

Từ năm 2008 đến 2010, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ tiếp tục thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ” nhằm gây màu nước bằng phân trùn để ổn định tảo, cho tôm ăn bằng thức ăn với dịch trùn để tăng sức đề kháng, phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Giải pháp này đã được áp dụng vào sản xuất tại các vùng nuôi tôm ven biển trên địa bàn tỉnh và đạt hiệu quả cao.

Cũng trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2010, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ tiếp tục vận dụng kết quả nghiên cứu của GS.TS Teruo Higa (Nhật Bản) về E.M (được sử dụng để gia tăng các vi sinh vật có lợi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các vi sinh vật cóhại gây ra) để hình thành sáng kiến “E.M trùn – giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững”.

Năm 2012, nhằm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi, kỹ sư Vũ đưa ra giải pháp nuôi tôm kết hợp cá rô phi. Giải pháp này giúp môi trường nước ao nuôi trong sạch hơn, tôm khỏe mạnh và phát triển tốt, người nuôi tôm phấn khởi trước kết quả đạt được.

Năm 2014, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ lại tiếp tục nghiên cứu, thực hiện giải pháp “Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc”. Nói về công nghệ này, anh Vũ chia sẻ: “Công nghệ Semi Biofloc là một quy trình nuôi tôm sinh học kết hợp với thức ăn có trộn với hỗn hợp E.M trùn (chế phẩm từ trùn quế). E.M trùn tan trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn dị dưỡng phát triển, chuyển hóa amonium trong ao nuôi thành sinh khối vi khuẩn. Các vi khuẩn này kết dính lại với nhau hình thành các cụm biofloc trôi nổi trong nước vừa làm thức ăn cho tôm vừa làm sạch môi trường, kìm hãm, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh tôm, giúp tôm khỏe mạnh, ăn nhanh, chóng lớn”.

Mô hình này được ông Lê Thanh Hải ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) áp dụng, mang lại kết quả khá cao. Ông Hải cho biết: Quy trình nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc không quá phức tạp, chi phí đầu tư không nhiều, thậm chí giảm so với cách nuôi truyền thống nhờ áp dụng phương pháp cho tôm ăn đúng liều lượng và xử lý ao hồ nuôi bằng dung dịch sinh học. Với diện tích gần 1ha hồ nuôi, năm 2014, tôi thả nuôi 660.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Sau 3 tháng nuôi, gia đình thu hoạch hơn 8 tấn tôm, bình quân 76 con/kg, với giá bán 130.000 đồng/kg, thu vào trên 1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng hơn 660 triệu đồng…

Ngoài một số hộ áp dụng ban đầu, hiện nhiều ngư dân ven biển trên địa bàn tỉnh cũng áp dụng công nghệ Semi Biofloc vào nuôi tôm và kết quả mang lại rất khả quan. Theo kỹ sư Vũ, việc nuôi tôm hiện nay không nên đi theo hướng giải quyết từng loại bệnh cụ thể mà nên đi theo hướng xây dựng các giải pháp làm sạch môi trường để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững. Vì khi môi trường trong sạch, con tôm rất khó nhiễm bệnh, khó bộc phát bệnh ngay cả trường hợp có mầm bệnh trong mô cơ của tôm nuôi. Nếu người nuôi tôm đồng lòng, cơ quan quản lý và các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ, các giải pháp nuôi tôm theo công nghệ mới, thân thiện với môi trường sẽ được thực hiện thành công. 

Ông Nguyễn Đình Nhơn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, đánh giá: Nuôi tôm bằng E.M Trùn mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nuôi. Quan trọng hơn, giải pháp này không làm ô nhiễm môi trường nước nên giúp nghề nuôi tôm có thể phát triển bền vững.

Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ

ThS Nguyễn Hoài Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên, nhận xét: Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ là người tận tâm, nhiệt huyết với công tác chuyên môn và đam mê nghiên cứu khoa học. Anh đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên nhiều năm liền. Giải pháp nào anh cũng đều tâm huyết và thực hiện đăng ký rất kỹ càng, chỉn chu. Kết quả nghiên cứu khoa học của kỹ sư Huỳnh Văn Vũ là một tấm gương sáng về tinh thần lao động sáng tạo vì lợi ích cộng đồng, xã hội. Anh là một trí thức đáng để nêu gương, học tập, noi theo.

Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ được vinh dự hai lần nhận Giải Ba, một lần nhận Giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Anh còn vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo.

Tác giả bài viết: Thùy Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *