Lẽ thường trong cuộc sống những người có niềm say mê nghiên cứu khoa học, tìm tòi sáng tạo đều dẫn đến thành công. Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ cũng không phải là ngoại lệ. Nhờ nỗ lực học tập, không ngừng trau dồi kiến thức, có niềm say mê nghiên cứu đã giúp anh “gặt hái” được khá nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Gập ghềnh con đường học vấn
Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ được sinh ra ở thành phố Tuy Hòa vào năm 1957 trong một gia đình nền nếp có truyền thống hiếu học. Tuổi thơ của anh cũng đầy ắp những kỷ niệm buồn vui tuổi học trò. Là người sáng dạ, lại chăm chỉ, cần mẫn học tập nên Vũ dễ dàng vượt qua và đạt thành tích cao ở các bậc Tiểu học, Trung học; đến năm 1974, tốt nghiệp Tú tài IBM loại Ưu (Giỏi). Đây là chương trình học được Chính quyền Sài gòn cũ áp dụng vào năm 1974 (Tú tài IBM đầu tiên), với chủ trương thay đổi phương pháp dạy và học, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông bắt đầu dưới hình thức trắc nghiệm, chấm thi bằng máy tính IBM. Đường học vấn của Vũ tiếp tục rộng mở khi anh bước chân vào giảng đường đại học. Từ 1974 đến 30/4/1975, Vũ theo học năm thứ nhất tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Đây cũng là thời điểm lịch sử, cả dân tộc đang tập trung cao độ cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử quân và dân cả nước đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối, Bắc Nam xum họp một nhà. Sự học của Vũ cũng gián đoạn do bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Xếp bút nghiên, Huỳnh Văn Vũ trở về quê hương tích cực tham gia công tác thanh niên tại phường 3, thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa).
Sau giải phóng 30/4/1975, trong bộn bề công việc khắc phục hậu quả chiến tranh để lại thì nhiệm vụ củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, tổ chức nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống dân cư là việc làm hết sức cấp bách. Lúc bấy giờ do dân cư tập trung ở Tuy Hòa rất đông nhưng không có đủ cơ sở sản xuất để giải quyết công việc làm cho người lao động, trong lúc đó các vùng nông thôn đất rộng, người thưa, thiếu lao động, không có cơ sở sản xuất nào để tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm đảm bảo phát triển, ổn định kinh tế- xã hội của địa phương. Đời sống người dân lúc này hết sức khó khăn, kinh tế – xã hội chậm phát triển. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cùng với nhiều thanh niên khác, Huỳnh Văn Vũ tình nguyện tham gia công tác Thanh Niên Xung Phong (TNXP ) để xây dựng các công trường, nông trường, lâm trường, các vùng kinh tế mới, thực hiện nhiệm vụ: Lấy lực lượng Thanh niên Xung Phong làm mũi nhọn nòng cốt, đột phá, tổ chức các Vùng Kinh tế mới, giúp người dân khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các tiềm năng hiện có để phát triển sản xuất, ổn định kinh tế -xã hội của địa phương, đất nước. Với tinh thần vượt khó, bền bỉ học tập và không ngừng nỗ lực phấn đấu, Huỳnh Văn Vũ lần lượt được đề bạt giữ các chức vụ: Tiểu đội trưởng rồi Trung đội phó đến Trung đội trưởng Trung đội 3 Đại đội 1 Thanh Niên Xung Phong Điểm kinh tế mới Lỗ Rong, Tuy Hòa. Được tập thể tín nhiệm, thương yêu, Huỳnh Văn Vũ càng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, anh tiếp tục được giao nhiệm vụ công tác Thống kê Đội Khai hoang Tiểu đoàn TNXP Đồng Cam Tuy Hòa. Tiếp đến là Đại đội phó Đại đội, cao hơn nữa là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn TNXP Đồng Cam Tuy Hòa. Với tinh thần “ Đâu cần thanh niên có/ việc gì khó có thanh niên ” Huỳnh Văn Vũ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức giao phó. Do yêu cầu công việc, từ tháng 12/1977 đến tháng 3/1978, anh trở về làm Cán bộ Ban TNXP Tỉnh đoàn Phú Khánh. Từ tháng 3/1978 đến tháng 10/1980 giữ chức vụ Chánh Văn Phòng kiêm Trưởng Phòng Quản Trị Hành Chính Công trường 26/3 Đông Sông Hinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Phú Khánh. Cái quý nhất ở Huỳnh Văn Vũ là luôn biết hòa mình với từng hoàn cảnh, môi trường công tác. Dù ở cương vị nào anh cũng luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều mà Vũ luôn canh cánh bên lòng cũng là mơ ước cháy bỏng đeo đuổi mãi trong anh là mong sớm được trở lại giảng đường đại học, được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, để có thể đóng góp được nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước …
KS Huỳnh Văn Vũ (người đứng) tại buổi tập huấn ở phường Phú Đông-TP Tuy Hòa. Ảnh: Hoàng Hà
Chìa khóa thành công
Ngay sau khi nước nhà được thống nhất, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đặc biệt là đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ TNXP, lực lượng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1980 đến 1985, Huỳnh Văn Vũ được Tỉnh đoàn Phú Khánh giới thiệu đi học tại Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Vẫn sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, Huỳnh Văn Vũ tiếp tục được tập thể tín nhiệm bầu làm Lớp trưởng kiêm Bí thư Chi đoàn Lớp Kinh tế 22. Nhờ thành tích học tập xuất sắc cộng với tinh thần trách nhiệm cao, luôn xông xáo năng động trong mọi lĩnh vực hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Huỳnh Văn Vũ đã sớm lọt vào “tầm ngắm” của Ban Giám hiệu nhà trường. Tốt nghiệp đại học, Huỳnh Văn Vũ được làm Giảng viên Khoa Kinh tế Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Anh gắn bó với sự nghiệp trồng người từ tháng 12 năm 1985 đến tháng 4 năm 1990. Sau này Huỳnh Văn Vũ thường tâm sự: “ Với anh những năm tháng công tác Thanh Niên Xung Phong và giảng dạy ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang tuy rất khó khăn, gian khổ nhưng là những khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ, nơi anh đã gắn bó tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy – trò; thêm nữa còn là môi trường tốt để anh rèn luyện, trưởng thành, là thời gian quý giá giúp anh tích lũy được vốn kiến thức nhiều nhất, có ý nghĩa quyết định rất lớn đến những thành tích nghiên cứu khoa học của anh”. Khi còn đang giảng dạy, Huỳnh Văn Vũ đã trực tiếp nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên thực hiện nhiều đề tài, giải pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế, được Hội đồng Khoa học Trường Đại học Thủy sản Nha Trang đánh giá cao, tiêu biểu như : Xây dựng Kế hoạch Giá thành sản phẩm ở Xí nghiệp Đông lạnh Tuy An. Tổ chức Hạch toán Kinh tế Xí nghiệp ở Xí nghiệp Đông lạnh Nha Trang. Xây dựng Kế hoạch Giá thành sản phẩm xuất khẩu tại Xí nghiệp xuất khẩu thủy sản I Quảng Ninh. Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Xí nghiệp Đông lạnh Tuy An. Tổ chức thành lập Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Phú Yên. Một số biện pháp nhằm hoàn thiện công tác tổ chức tại Công ty sản xuất nông thủy sản xuất nhập khẩu Tuy Hòa …
Sau gần 15 năm hợp nhất giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, ngày 01 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Phú Yên thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật về tham gia công tác góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội quê hương. Là một giảng viên đại học, Huỳnh Văn Vũ đứng trước bao lựa chọn tốt đẹp trên con đường học vấn và công danh. Song với mong muốn được đem vốn tri thức và sự hiểu biết của mình xây dựng quê hương, Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ xin chuyển về công tác tại Sở Thủy sản Phú Yên. Vẫn tính cách năng động của người Thanh Niên Xung Phong khi xưa, cộng với những suy tư, khát vọng đóng góp của một trí thức, KS Huỳnh Văn Vũ tiếp tục say mê với công việc ở môi trường công tác mới. Anh tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí công tác ở nhiều đơn vị khác nhau…Dù ở vị trí công tác nào KS Huỳnh Văn Vũ vẫn luôn say mê công tác nghiên cứu khoa học. Là Kỹ sư Thủy sản, anh hiểu rất rõ đặc điểm tự nhiên Phú Yên là tỉnh sản xuất nông nghiệp, nguồn nước trong sạch, nhiều sông suối, thủy triều theo chế độ nhật triều không đều. Các vùng cửa sông, đầm, vịnh là nơi gặp gỡ, giao thoa giữa các dòng nước ngọt do sông suối đổ ra mang theo nguồn dinh dưỡng từ đất liền và nước mặn do dòng triều đưa vào mang theo các nguồn dinh dưỡng từ biển khơi tạo nên vùng nước lợ trong sạch, giàu dinh dưỡng rất phù hợp để đầu tư nuôi tôm xuất khẩu. Tuy nhiên nuôi trồng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường mới là mục tiêu mà KS Huỳnh Văn Vũ hằng theo đuổi. Với anh nghiên cứu khoa học phải mang tính phát hiện, tính mới, tính sáng tạo và mục tiêu của nghiên cứu khoa học là phục vụ cho cuộc sống, phải được ứng dụng vào thực tiễn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, ít nhất là cho người dân nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Năm 1992, 1993, KS Huỳnh Văn Vũ thực hiện Dự án Đầu tư nuôi tôm xuất khẩu vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Nội dung chính của Dự án là hướng dẫn người dân nuôi tôm, thu hồi vốn đầu tư bằng sản phẩm tôm nuôi sau thu hoạch đưa qua chế biến xuất khẩu, lấy lợi nhuận của chế biến xuất khẩu để quay lại đầu tư phát triển vùng nuôi. Từ chỗ không có gì, đến nay người dân Phú Yên đã phát triển nuôi tôm trên toàn khắp các vùng đất, mặt nước có thể đầu tư nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm năm 2013: 2.279 ha, đặc biệt chỉ trong 11 năm diện tích nuôi tôm Chân trắng đã tăng gấp 424 lần so với những ngày đầu mới hình thành nghề. Thực hiện Dự án đã giúp người dân hình thành, phát triển nghề nuôi tôm đến ngày hôm nay, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nghề nghiệp cũ “chặt cây, đốt than, làm ruộng trên vùng đất bị ngập mặn ”.
Không dừng lại ở những gì đã đạt được KS Huỳnh Văn Vũ tiếp tục đầu tư nghiên cứu các Đề tài: “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững”. Đề tài áp dụng vào thực tế sản xuất tại các vùng nuôi: Thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định, người dân rất phấn khởi thực hiện giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh. Tiếp đến Đề tài “E.M Trùn – Giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững”, áp dụng vào thực tế sản xuất thông qua các mô hình: Nuôi tôm Hùm tại Vũng Rô, nuôi tôm Chân trắng ở các vùng nuôi huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa đạt hiệu quả cao, bền vững. Đề tài đã giúp người dân mở rộng, thực hiện có hiệu quả trên các đối tượng nuôi nước mặn (tôm Hùm); nước lợ (tôm Sú, tôm Chân trắng). Năm 2012 để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi, KS Huỳnh Văn Vũ tiếp tục thực hiện sáng kiến Nuôi tôm nước lợ kết hợp cá Rô phi luân canh và xen canh áp dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao, ổn định. Ông Nguyễn Hải, ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, người thực hiện giải pháp Nuôi tôm nước lợ kết hợp cá Rô phi luân canh và xen canh cho biết: Sau nhiều năm lăn lộn với nghề nuôi tôm, đến nay nhận thấy giải pháp nuôi tôm kết hợp cá Rô phi có tác dụng làm sạch môi trường, tảo ổn định, các chỉ tiêu môi trường pH, Ôxy hòa tan …, ổn định, tôm khỏe mạnh, không bị bệnh, phát triển tốt, hiệu quả, giải pháp này phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương Phú Yên, đây sẽ là quy trình nuôi tôm ổn định của gia đình ông.
Tận tâm với công tác chuyên môn và say mê nghiên cứu khoa học là chìa khóa thành công của Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ. Cùng với rất nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích công tác, Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ còn vinh dự hai lần nhận Giải Ba, một lần nhận Giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức 2 năm một lần trong các năm 2008 – 2009, 2010 – 2011, 2012 – 2013. Anh còn vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo năm 2011. Ở độ tuổi gần 60, một số người đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, vui chơi và hưởng thụ. Nhưng với Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ công tác tại Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Phú Yên vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê nghiên cứu khoa học như dòng sông không ngừng chảy. Kết quả nghiên cứu khoa học của kỹ sư Huỳnh Văn Vũ là một tấm gương sáng về tinh thần lao động sáng tạo vì lợi ích cộng đồng, xã hội. Anh là một trí thức đáng để nêu gương, học tập, noi theo ■
Vân Phong
(Theo Tri thức Phú Yên – Số 39&40 – tháng 2 năm 2015)