Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có bờ biển dài gần 200 km, khúc khuỷu, nhiều dãi núi ăn lan ra sát biển hình thành các eo, vịnh, đầm phá. Cùng với các bãi triều, cửa sông giàu dinh dưỡng đã tạo nên vùng nước mặn lợ ven biển rộng lớn, khoảng 21.000 ha. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để đầu tư phát triển nuôi các loài thủy đặc sản như tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng …. Trong các năm qua, vùng đã giúp rất nhiều hộ dân tạo lập nên cơ nghiệp từ nghề nuôi trồng thủy sản này.
Tuy nhiên; do nghề nuôi tôm phát triển một cách tự phát, phát triển diện tích nuôi quá nhanh, nhiều ao nuôi ngoài vùng quy hoạch, phá hủy hệ sinh thái ven bờ, một số hộ dân chưa chấp hành quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, trình độ kỹ thuật còn hạn chế, cải tạo ao hồ không tập trung, không đồng bộ, tùy tiện đưa chất thải ra ngoài gây sức ép nặng nề lên môi trường, nhiều người dân thiếu ý thức, đặc biệt là các ao nuôi ven các đầm, vịnh … nơi quần cư của nhiều động vật thủy sinh, tôm nuôi bị bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy … không xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đã xã thải ra bên ngoài, dẫn đến tình trạng bệnh dịch lây lan, môi trường ô nhiễm, nguồn lợi bị tàn phá nghiêm trọng. Do dịch bệnh liên tiếp xảy ra, người dân gặp rất nhiều khó khăn, mất phương hướng tổ chức sản xuất.
Trước tình hình đó Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp … giúp người dân ngăn chặn dịch bệnh để phát triển, ổn định sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, tiêu biểu có thể nói đến các hoạt động sau:
Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ bằng chế phẩm sinh học sản xuất từ con trùn:
Vận dụng kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nước quốc gia Pháp “Con trùn ( giun) có thể làm sạch nước bị nhiễm bẩn, trùn đất một khi được cho vào ao hồ bị nhiễm bẩn sẽ phát triển vô số trong những rảnh nhỏ nằm ở lớp đất bùn dưới đáy nước, đồng thời cũng mang theo Ôxy cần thiết để làm sinh sôi các loại vị khuẩn rồi cùng nhau ăn chất bẩn có trong nước. Chỉ cần phát triển trùn đất với số lượng từ 20.000 – 30.000 con có thể làm sạch một diện tích nước 10.000 m2 … ”, năm 2009 Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TP Tuy Hoà phối hợp Hội Nghề Cá Phú Yên triển khai thực hiện sáng kiến “ Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ bằng chế phẩm sinh học sản xuất từ con trùn ”. Nội dung chính của sáng kiến là gây màu nước, ổn định tảo bằng phân hữu cơ sinh học BIO COMPOST ( sản phẩm sản xuất từ phân trùn ), cho tôm ăn “ thức ăn + dịch trùn ” nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng: Đạm, acid amin, các vi khuẩn có lợi, vitamin, các nguyên tố vi lượng Zn, Selenium … để tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi. Sáng kiến áp dụng vào thực tế sản xuất tại các vùng nuôi: Huyện Sông Cầu, Tuy An, TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa đạt hiệu quả cao, ổn định, người dân rất phấn khởi thực hiện giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh. Với kết quả trên sáng kiến được tặng thưởng giải III Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần III ( 2008 – 2009 ).
Chế phẩm sinh học E.M là chữ viết tắt của cụm tiếng Anh Effective Microorganisms có nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu do Giáo sư tiến sĩ Teruo Higa người nhật phát minh vào năm 1980. Vi sinh vật hữu hiệu gồm có 05 nhóm cơ bản. Nhóm vi khuẩn quang hợp (Rodopseudomonas), nhóm vi khuẩn Lactobacillus, nhóm nấm men (Saccharomyces), nhóm nấm sợi (Aspergillus & Penicillium). Vai trò của nhóm vi sinh vật hữu hiệu được thể hiện rõ nhất ở “khả năng tiêu thụ” các chất hữu cơ có trong môi trường.
Hiện nay chế phẩm sinh học E.M được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, việc sử dụng chế phẩm này rất có hiệu quả trong việc cải tạo môi trường nước (làm trong sạch, khử mùi hôi của nước); tăng sức đề kháng cho vật nuôi và cây trồng. Ngoài ra, EM còn góp phần cải thiện môi trường khử mùi hôi chuồng trại, thải rác sinh hoạt,…
Phát triển mô hình nuôi tôm bằng công nghệ Semi Biofloc
Công nghệ nuôi tôm Semi Biofloc là một quy trình nuôi tôm sinh học kết hợp với thức ăn có trộn với hỗn hợp E.M trùn (chế phẩm từ con trùn quế). E.M trùn tan trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn dị dưỡng phát triển, chuyển hóa Amonium trong ao nuôi thành sinh khối vi khuẩn. Các vi khuẩn này kết dính lại với nhau hình thành các cụm biofloc trôi nổi trong nước vừa làm thức ăn cho tôm vừa làm sạch môi trường, kìm hãm, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh tôm, giúp tôm khỏe mạnh, ăn nhanh, chóng lớn.
Cuối năm 2013, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Đông Hòa phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Phú Mỹ An (TP Hồ Chí Minh) tổ chức đợt tập huấn kỹ thuật nuôi tôm bằng công nghệ sinh học Semi Biofloc (làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo và hệ thống biofloc). Đây là mô hình hoàn toàn mới ở Phú Yên, được nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng và mang lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.
Quy trình nuôi tôm bằng công nghệ sinh học Semi Biofloc không quá phức tạp, chi phí đầu tư không nhiều, thậm chí giảm so với cách nuôi truyền thống nhờ áp dụng phương pháp cho tôm ăn đúng liều lượng và xử lý hồ bằng dung dịch sinh học.
Về quy trình cải tạo hồ nuôi, người nuôi cần phơi khô hồ từ 5 đến 7 ngày để tiêu diệt triệt để các virus, vi khuẩn, mầm bệnh của vụ trước còn tồn lưu. Sau đó, người nuôi lấy nước qua túi lọc 3 đến 4 ngày, rồi diệt tạp bằng Saponi, diệt khuẩn bằng các sản phẩm có thành phần chính Iodine, kiểm tra các chỉ tiêu nồng độ pH từ 7,5 trở lên, độ kiềm trên 80 là được. Tiếp theo, người nuôi bón phân sinh học Bio Compost (sản phẩm chế biến từ phân trùn quế), liều lượng từ 5 đến 10 kg/1.000 m3 nước (tùy điều kiện dinh dưỡng của ao nuôi) để gây màu nước, ổn định tảo, bù đắp, bổ sung các vi sinh vật có lợi cho môi trường ao nuôi; mật độ thả trên 300 con/m2. Khi tôm được 1 tháng tuổi, người nuôi cho tôm ăn thức ăn trộn E.M trùn theo tỉ lệ 20-30ml E.M trùn/kg thức ăn, trộn áo bằng trái chuối chín xay nhuyễn để bổ sung thêm lượng Carbohydrat, liều lượng 50g chuối chín/kg thức ăn, ngày cho tôm ăn 1 đến 2 lần vào bữa ăn chính.
Thực tế cho thấy, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đã và đang được nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh ứng dụng là phù hợp với điều kiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng các ao nuôi hiện nay, hướng ngành nuôi tôm phát triển bền vững hơn.
Ánh Tuyết (tổng hợp)